Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

Xin về làm của riêng

Không lợi dụng thần tượng
Đăng bởi bvnpost on 16/04/2011

Phạm Anh Tuấn

GS Ngô Bảo Châu là một thiên tài toán học, tuy ông không phải là thiên tài toán học độc nhất (the genius), tất nhiên càng không phải là thiên tài về tất cả. Cách làm việc của ông, theo như tôi được đọc trong một bài phỏng vấn ông, là bắt đầu bằng việc đi tìm các câu hỏi chứ không đi tìm các câu trả lời. Cách viết của ông giống như một sự gợi câu hỏi. Vì thế cần tôn trọng những điều ông viết ra. Sự ồn ào dấy lên quanh một phát biểu hoặc có thể là mọi phát biểu của GS Ngô Bảo Châu cũng là điều dễ hiểu. Nó xuất phát từ hình ảnh của mỗi người về một thần tượng. Nhưng khi sự ồn ào bắt đầu lắng dần thì người ta lại bắt đầu thấy lấp ló một vài bàn tay cơ hội chủ nghĩa muốn khều khều vài thứ ra để chụp mũ và biến sự ồn ào vô hại đó thành một thứ phong trào “dân chủ”, hoặc một thứ hoa lài mà theo họ là chóng tàn quá nên hóa thành “hoa cứt lợn” (để chê hay để lấy lòng ai?), và cả những đầu óc ảo tưởng trong đó có cái tổ chức rất lớn ở nước ngoài đang ảo tưởng về một blogger được họ xếp là “blogger chuyên nghiệp nhất tại Việt Nam”.



Trong tác phẩm On Education (bản dịch của Phạm Anh Tuấn sẽ ra mắt trong năm 2011) nhà giáo dục John Dewey khi bàn về những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các dạng tư duy tồi có nhắc rất nhiều tới Francis Bacon (1561-1620) – triết gia quan trọng ở vào giai đoạn bước ngoặt từ thời Trung cổ sang thời hiện đại (năm ngoái nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn cũng có một bài viết phổ cập về Bacon được đăng trên Sài Gòn tiếp thị). Bacon phân loại những nguyên nhân chính dẫn con người ta đi đến niềm tin sai lầm. Ông đặt cái tên rất lạ là những “idol” (thần tượng). Thần tượng rất dễ biến thành “ngẫu tượng”, rất dễ dẫn dụ trí óc đi vào những con đường tư duy sai lầm và rồi trở thành “ảo tưởng”.

Có bốn ”ảo tưởng” chính: (1) ảo tưởng của bộ tộc (tribe) – những sai lầm tự nhiên của con người, của bản tính con người nói chung (chẳng hạn thích tin vào phát biểu của những người nổi tiếng); (2) ảo tưởng của cái chợ (the market) – những sai lầm do sự tiếp xúc giữa con người với nhau; (3) ảo tưởng của cái hang (the cave) – những sai lầm của cá nhân (phụ thuộc vào khí chất, thói quen của một cá nhân); (4) ảo tưởng của sân khấu (the theatre) – những sai lầm có nguồn gốc từ những giáo điều của một giai đoạn cụ thể.

Như thế có thể thấy là con người thực ra không dễ làm người tự do đích thực. Con người bị trói buộc vào quá nhiều thứ. Đôi khi tình cảnh thực sự là tuyệt vọng. Song, những người cơ hội chủ nghĩa mới thực sự là nguy hiểm. Họ là những người chọc ngang-phá ngang, chả biết cái gì đến đầu đến đũa cả. Họ là những người đã có một chỗ xong xuôi cho riêng mình ở đâu đó rồi và bây giờ được thấy là đang đi lại nghênh ngang – họ gọi đấy là “tự do”. Họ đã thu hoạch xong lúa vụ mùa chính vụ rồi và bây giờ rủng rỉnh rảnh rang đứng đằng xa quan sát những con người đang chịu thất bát ngay cả vụ hoa màu – họ gọi đấy là “khách quan” Họ chưa bao giờ khổ cả, chứ đừng nói là đau khổ thực sự vì điều gì vượt ra ngoài cuộc sống bản thân họ.

Tôi luôn tin vào cuộc sống có thực. Với tôi tiếng nói của những người thực sự trầm mình trong cuộc đời này là tiếng nói đáng tin. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà thơ Dương Tường bằng xương bằng thịt với “les années noires” của họ đã dạy tôi nhiều điều hơn vô số những cuốn sách, hơn vô số những ngẫu tượng trong cuộc sống ảo ngày hôm nay. Có một giai đoạn dài trong những năm tháng đen ấy hầu như ngày nào Nguyễn Xuân Khánh trên đường từ công trường cải tạo ở Thủ Lệ về cũng ghé qua nhà tôi. Bao giờ ông cũng gọi tôi đem thuốc lào ra hút rồi ông ôm cây ghi ta đệm hát nghêu ngao một mình. “Này, mày có cái gì đọc đến mức phải nổ tung đầu lên không, cho tao mượn?”, một lần ông hỏi tôi. Tôi đưa ông Les Faux-Monnayeurs của Gide. Ông cầm, rồi cầm luôn từ dạo ấy đến nay. Dương Tường, người tự nhận mình không chỉ “học hỏi” mà “dévorer” (ngấu nghiến) tất cả các nền văn hóa của thế giới, năm xưa ngày ngày ngồi hiền hòa đọc sách trong Thư viện Quốc gia nhưng bao giờ cũng có những người “lạ mà quen” giả vờ đi vòng sau lưng ông để kiểm tra xem hôm nay ông đọc cái gì.

Không ai có thể tinh tướng, có thể dạy đời cho cuộc sống. Nhà văn cựu chiến binh Mỹ Larry Heinemann suýt bỏ mạng ở chiến trường Việt Nam có lần đã dùng Moby-Dick để dạy tôi “mày đừng tưởng mày tóm được cuộc sống, cuộc sống nó tóm mày đấy” (life hold thou, not thou it). Tại vì có một điều chắc chắn là không ai có thể giả vờ sống. Với ai đó có thể chạy trốn được trong cuộc sống ngoài đời thực, chẳng hạn, ngồi trên chiếc Camri tiền tỉ rong ruổi ngang dọc đất nước lúc ghé Hà Nội nghỉ đêm tại Sofitel Métropole de Hanoi đêm xuống buồn buồn gọi một chai Ballantine nhẹ nhàng, nhưng làm gì có chỗ núp mãi mãi cho bất cứ ai dù là trong cuộc sống ảo trên mạng Internet.

PAT.

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

Hoa Vườn nhà

Góp nhặt - Từ Nguyễn Xuân Diện

MỘT BỨC THƯ BUỒN CỦA BẠN ĐỌC
Hà Nội, 13 tháng 4 năm 2011

Đọc Blog của bạn hôm nay xong lại thấy lòng mình buồn quá, buồn cho con dân nước Đại Việt ta mà chẳng biết làm sao để chung tay với xã hội cho mỗi độ xuân sang, tháng ba về thêm nhiều những niềm vui. Thôi thì đành mail tới bạn để giãi bày vậy, đừng chối từ Nguyễn Xuân Diện nhé.

Tôi kể bạn nghe, nhà bố mẹ tôi nằm ngay cạnh Phủ Tây Hồ đấy. Sáng mùng Một Tết Nguyên Đán vừa rồi cũng như mọi năm mình phải về nhà ông bà đầu tiên. Ngồi nói chuyện với các cụ xong, mừng tuổi các cháu xong, mình định sang Đền (vì là người dân ở đó nên gọi là Đền – không gọi là Phủ đâu) để thắp nén nhang cầu may đầu năm, bước chân ra cửa, thấy nhà Đền đông quá mình quay vào nhà không sang nữa. Bạn biết sao không, mình tâm niệm rằng, dù chỉ một mình mình thôi nhưng cũng sẽ làm nhiều người thêm khó chịu vì chật chội chen chúc thêm. Mình nhủ lòng “Thôi nhà mình gần, nhường cho bà con ở xa lễ trước đi, trước Thánh Thần sau hay trước quan trọng gì” và mình thấy vui về con người mình với suy nghĩ ấy.

Chuyện mình, mình cố làm được vậy. Nhưng chuyện xã hội thì đáng buồn quá. Mình văn dốt võ nát, muốn viết thư tới bạn để hòng bạn có thể bằng những kinh nghiệm của mình làm một cách nào đó gióng lên một hồi chuông báo động cho xã hội.

Qua thông tin báo chí, qua thông tin trên mạng, qua lời kể của anh em bạn bè, thì bao nhiêu lễ hội đều là bấy nhiêu những bất cập về an ninh trật tự, là bấy nhiêu chen lấn xô đẩy, là bấy nhiêu sự phung phí tiền của của dân, là bấy nhiêu sự nâng giá vô tội vạ của người kinh doanh đánh vào túi du khách. Một mặt nào đó, bấy nhiêu cái bất cập đó cũng có lợi là để du khách năm sau “chừa”. Là nói vui chút vậy thôi, dân ta thì cậu cũng đã hiểu hơn cả mình, trình độ dân trí chỉ vậy thôi, thấy ai nói ai rủ là đua theo, chẳng cần biết lợi hại thiệt hơn như thế nào.

Nhất là “mà tớ cho là tệ hại nhất” trên vô tuyến truyền hình [...] cứ ra rả các thông tin rằng nơi này to nhất, nơi kia to hơn nhằm mục đích quảng bá, nhưng họ ngu thật, mặt sau của nó là cái gì thì chẳng thằng nào lường trước. Bà con ta nhận thức đã cao đâu, bà con sẽ háo hức đi đến để rồi lại năm sau đau hơn năm trước. [...]

Và một điều mình cho là quan trọng nữa là: Các quan chức nhà ta còn muốn mua thần bán thánh hơn dân đen nhiều. Ví dụ, lễ hội đền Hùng, quan chức [...] tiền hô hậu ủng, lực lượng đó cũng đủ gây ùn tắc rồi. Có năm mình đi công tác Yên Bái, vì không nhớ nên đi đúng ngày 10/03 âm, qua Việt Trì có đi được đâu vì bị cấm đường cho các quan chức đi, và chính điều đó lại càng làm người dân tò mò và a dua. [...].

Hôm trước, bạn có viết bài “ĐÂU CỨ PHẢI TƯỢNG TO, CHÙA LỚN, ĐẠI HỒNG CHUNG?” Và bạn viết: Chân tu là chân tâm. Tu là tu ở trong tâm mình. Thú thật tôi cũng nghĩ nhiều như vậy nhưng trong lòng vẫn còn so đo, đến khi đọc được bài của bạn mình thấy yên tâm nhiều rồi. Cám ơn bạn nhé!

Vả lại, [...] bắt những người như bạn phải nhiều trăn trở đó bạn à, “mình không dám trăn trở đâu”. [...]. Xã hội không có sự phản biện xã hội, chỉ rặt những mẹ hát con khen hay [...].

Thôi dài dòng quá, chắc đọc thấy mệt, là vài thiển ý của tôi như vậy, bạn rảnh lúc nào và có thể làm loạt bài về chủ đề này cho bà con hiểu thêm vấn đề nha. Cám ơn! Bạn chắc cũng khỏe hẳn rồi, tôi luôn chúc bạn sức khỏe nhé!